Với thế và lực đã tích lũy sau gần 40 năm đổi mới, sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Việt Nam đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết, đề ra định hướng chiến lược, đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, một kỷ nguyên mới đã được mở ra từ năm 1945 khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, đất nước ta được hoàn toàn giải phóng, độc lập và thống nhất, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Xuất phát từ những đòi hỏi của thực tiễn, công cuộc đổi mới ở nước ta đã diễn ra trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX; đến năm 1986, công cuộc này diễn ra một cách toàn diện khi có chủ trương đổi mới của Đảng tại Đại hội VI. Đây là mốc son đánh dấu kỷ nguyên đổi mới và hội nhập của đất nước.
Thành tựu lịch sử của kỷ nguyên đổi mới và hội nhập đã tạo ra tiền đề vững chắc để dân tộc ta bước vào một kỷ nguyên mới mà tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tháng 9-2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định: Với thế và lực đã tích lũy sau gần 40 năm đổi mới, sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Việt Nam đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết, đề ra định hướng chiến lược, đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
QĐND