Với tư cách là hạt nhân của xã hội, hệ giá trị gia đình Việt Nam duy trì sự ổn định và phát triển của đất nước qua nhiều thời kỳ, nhiều biến động lịch sử. Đó là tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, gắn bó, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, hiếu học, sống nghĩa tình... Hệ giá trị gia đình Việt Nam cũng lưu giữ những truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc từ đời này qua đời khác, thông qua những hoạt động cụ thể như gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ, ẩm thực truyền thống, trang phục, cưới hỏi, ma chay, thờ cúng ông bà tổ tiên.
Để thực hiện tốt việc xây dựng, phát huy hệ giá trị gia đình, đảm bảo mỗi gia đình Việt Nam được ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị 06-CT/TW, cần thực hiện những giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, từ trung ương đến các địa phương, các đảng viên về tầm quan trọng của hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới. Nhận thức này cần được quán triệt thông qua các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác xây dựng gia đình, qua các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực. Đây là lực lượng chủ chốt, mang tính định hướng để phát triển công tác gia đình và xây dựng, phát huy hệ giá trị gia đình.
Thứ hai, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình với các mục tiêu, biện pháp cụ thể để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, trong đó mỗi thành viên trong gia đình đều phải được quan tâm, từ thế hệ trẻ đến thế hệ cao niên. Những chính sách này phải thể hiện sự bình đẳng, công bằng, thuận lợi, cung cấp những dịch vụ xã hội thiết yếu cho gia đình. Đồng thời những chính sách về gia đình phải gắn liền với những chính sách lớn của đất nước, chẳng hạn như Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... Có như vậy thì mới xây dựng được hệ giá trị gia đình bền vững, ấm no, với mức sống ngày càng được nâng cao.
Thứ ba, nâng cao năng lực quản lí nhà nước về công tác xây dựng gia đình. Xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045; chương trình giáo dục quốc gia về gia đình; thực hiện các chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng những chiến lược về công tác gia đình trong thời kỳ mới, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về gia đình để thuận tiện cho việc quản lí, ưu tiên thực hiện những đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về gia đình để đánh giá kết quả thực hiện công tác và tìm ra những phương hướng, giải pháp mới. Tổ chức các cuộc thi và kêu gọi sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề gia đình. Kêu gọi sự hợp tác, giúp đỡ, tài trợ từ những tổ chức, cơ quan của nước ngoài, của Liên Hợp Quốc trong công tác gia đình. Chú trọng việc phát triển các tổ chức, đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, phát triển chuyên ngành Giới và gia đình trong trường đại học...
Thứ tư, tăng cường công tác giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; tăng cường công tác tuyên truyền các chuẩn mực văn hóa, đạo đức, lối sống trong gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam. Nâng cao hiệu quả trong xây dựng gia đình văn hóa, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...
Cần biểu dương, nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, các tấm gương ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, các điển hình vợ chồng hòa thuận, có công lao nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ. Cần có những biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ những quan niệm lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Cũng cần có các chính sách, quy định, biện pháp thiết thực để giải quyết những vấn đề phát sinh trong mô hình gia đình hiện đại như: Gia đình đơn thân, gia đình đồng giới, gia đình chuyển giới... Các cơ quan ban ngành đoàn thể, các đơn vị truyền thông báo chí phải tăng cường kết hợp cùng nhau để thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục này.
Nhìn lại hệ giá trị gia đình Việt Nam qua các thời kỳ, có thể thấy chúng có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, hay đóng vai trò kết nối, gắn kết các thế hệ, giữ gìn, phát huy những chuẩn mực, tinh hoa của văn hóa dân tộc, mà còn có vai trò duy trì sự ổn định, phát triển của đất nước. Vì vậy, trong thời đại ngày nay, việc xây dựng, giữ gìn và phát huy hệ giá trị gia đình phù hợp là điều cấp bách và cần được quan tâm cao độ.